Thuế là nguồn thu quan trọng của Nhà nước, nhưng nhiều cá nhân, doanh nghiệp cố tình né tránh nghĩa vụ này bằng hành vi trốn thuế. Đây là vi phạm pháp luật, gây thất thoát ngân sách và mất công bằng trong kinh doanh.
Cùng Sabay tìm hiểu trốn thuế là gì và những quy định liên quan đến mức phạt trốn thuế của các cá nhân và doanh nghiệp qua những chia sẻ sau.
Mục lục bài viết
Trốn thuế là gì?
Trốn thuế là hành vi cố ý giảm số tiền thuế phải nộp hoặc trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật. Đây là vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, làm mất công bằng trong kinh doanh và gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Trốn thuế thuộc nhóm tội phạm kinh tế và vi phạm nghiêm trọng luật thuế. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn tra cứu nợ thuế thu nhập cá nhân 2025
Hậu quả nghiêm trọng của hành vi trốn thuế
Ảnh hưởng đến doanh nghiệp hoặc cá nhân vi phạm
- Bị xử phạt hành chính: Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các mức phạt tài chính đối với hành vi gian lận thuế. Số tiền phạt phụ thuộc vào mức độ vi phạm và tỷ lệ trốn thuế.
- Chuyển hành vi từ trốn thuế sang khai sai: Các doanh nghiệp khi bị thanh tra sẽ bị buộc chỉnh sửa báo cáo tài chính và nộp bổ sung các khoản thuế còn thiếu.
- Bị rút giấy phép kinh doanh: Doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng có thể bị đình chỉ hoạt động, đưa vào danh sách giám sát đặc biệt hoặc bị đình chỉ đống cửa.
- Mất uy tín trên thị trường: Các doanh nghiệp bị phát hiện trốn thuế sẽ bị giảm điểm tin tưởng, ảnh hưởng đến các hợp đồng hợp tác và khả năng thu hút đầu tư.

Ảnh hưởng đến xã hội và nền kinh tế
- Thất thu ngân sách nhà nước: Số tiền thuế thất thú ảnh hưởng đến các chương trình phát triển kinh tế – xã hội.
- Sự bất công trên thị trường: Doanh nghiệp trốn thuế có thể giảm giá thành sản phẩm, gây cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp tuân thủ luật thuế.
- Gây rủi ro về đầu tư nước ngoài: Uy tín quốc gia bị ảnh hưởng khi nhiều doanh nghiệp bị phát hiện trốn thuế, khiến nhà đầu tư nước ngoài lo ngại.
Các hình thức trốn thuế phổ biến
Theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, một số hành vi sau đây được xem là trốn thuế và có thể bị xử lý nghiêm khắc:
- Không thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế: Không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế, hoặc nộp hồ sơ khai thuế quá 90 ngày so với thời hạn quy định.
- Không ghi nhận đầy đủ doanh thu: Cố tình không ghi vào sổ kế toán các khoản thu có ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp.
- Xuất hóa đơn không đúng giá trị thực tế: Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc ghi giá trị thấp hơn thực tế để giảm số thuế phải đóng.
- Sử dụng chứng từ không hợp pháp: Dùng hóa đơn khống hoặc chứng từ giả để kê khai nguyên liệu đầu vào nhằm làm giảm thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được khấu trừ, hoàn thuế.
- Khai sai thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu: Không kê khai đúng thực tế về số lượng, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu và không bổ sung khai báo sau khi hàng hóa đã được thông quan.
- Lợi dụng chính sách miễn thuế: Sử dụng hàng hóa được miễn thuế không đúng mục đích mà không thông báo với cơ quan thuế.
- Thông đồng để gian lận thuế: Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa mà không khai báo đúng, nếu không thuộc các hành vi bị truy cứu theo Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật Hình sự.

Những hành vi trên không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, mà còn tiềm ẩn rủi ro pháp lý cao cho cá nhân và doanh nghiệp vi phạm. Việc tuân thủ pháp luật thuế không chỉ là nghĩa vụ tài chính mà còn thể hiện trách nhiệm công dân.
Quy định pháp luật về trốn thuế và mức phạt
Mức phạt hình sự
Đối với cá nhân
Theo điều 200 Bộ Luật Hình sự 2015, tội trốn thuế được quy định với các mức hình phạt sau:
Mức phạt | Điều kiện áp dụng | Hình thức xử lý |
Khung 1 (Nhẹ nhất) | – Trốn thuế từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng. – Hoặc trốn dưới 100 triệu đồng, nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc từng bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích. – Hoặc vi phạm liên quan đến một số điều khoản trong Bộ luật Hình sự. | Phạt tiền: 100 – 500 triệu đồng. Hoặc phạt tù: 3 tháng – 1 năm. |
Khung 2 (Nghiêm trọng hơn) | – Có tổ chức. – Trốn thuế từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng. – Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. – Phạm tội 2 lần trở lên. – Tái phạm nguy hiểm. | Phạt tiền: 500 triệu – 1,5 tỷ đồng. Hoặc phạt tù: 1 – 3 năm. |
Khung 3 (Nghiêm trọng nhất) | – Trốn thuế từ 1 tỷ đồng trở lên. | Phạt tiền: 1,5 – 4,5 tỷ đồng. Hoặc phạt tù: 2 – 7 năm. |
Ngoài các mức phạt trên, người phạm tội có thể bị áp dụng thêm các hình thức xử lý sau:
- Phạt tiền bổ sung: Từ 20 triệu – 100 triệu đồng.
- Cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.
- Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản nếu vi phạm nghiêm trọng.
Đối với pháp nhân thương mại
Theo điều 200 Bộ Luật Hình sự 2015, tội trốn thuế được quy định với các mức hình phạt sau:
- Phạt từ 300 triệu – 1 tỷ đồng nếu trốn thuế từ 200 – dưới 300 triệu đồng, hoặc từ 100 – dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc có tiền án chưa xóa về tội trốn thuế hoặc các tội liên quan (Điều 188 – 196 BLHS 2015).
- Phạt từ 1 – 3 tỷ đồng nếu phạm tội thuộc các trường hợp nghiêm trọng hơn (Điểm a, b, d, đ Khoản 2 Điều 200 BLHS).
- Phạt từ 3 – 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động từ 6 tháng – 3 năm nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng hơn (Khoản 3 Điều 200 BLHS).
- Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (Điều 79 BLHS).
- Ngoài ra, pháp nhân có thể bị phạt 50 – 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực hoặc cấm huy động vốn từ 1 – 3 năm.

Mức phạt hành chính
Theo điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, tội trốn thuế được quy định với mức phạt sau:
Hình phạt tiền
Mức phạt | Điều kiện áp dụng |
Phạt 1 lần số thuế trốn | Có tình tiết giảm nhẹ và thuộc một trong các hành vi sau: – Không đăng ký, kê khai thuế đúng hạn. – Không ghi nhận doanh thu vào sổ sách kế toán. – Không lập hóa đơn hoặc lập hóa đơn sai để giảm số thuế phải nộp. – Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp. – Sử dụng hàng hóa miễn thuế sai mục đích mà không khai báo. – Kinh doanh trong thời gian xin tạm ngừng hoạt động mà không báo cáo. |
Phạt 1,5 lần số thuế trốn | Không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ. |
Phạt 2 lần số thuế trốn | Có một tình tiết tăng nặng. |
Phạt 2,5 lần số thuế trốn | Có hai tình tiết tăng nặng. |
Phạt 3 lần số thuế trốn | Có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên. |
Biện pháp khắc phục hậu quả
- Buộc nộp lại số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước.
- Buộc điều chỉnh số lỗ, thuế giá trị gia tăng đầu vào nếu có sai sót.
- Nếu hành vi vi phạm đã quá thời hiệu xử phạt, người vi phạm không bị xử phạt, nhưng vẫn phải nộp đủ số thuế trốn cùng tiền chậm nộp.
Phân biệt trốn thuế và tránh thuế
Trốn thuế là hành vi cố tình vi phạm quy định pháp luật để tránh nghĩa vụ nộp thuế. Hành vi này bao gồm khai gian, giấu thu nhập, sử dụng hóa đơn giả, chuyển giá và khác.
Tránh thuế là việc tối ưu hóa nghĩa vụ thuế bằng cách tận dụng kẽ hở hậu trong quy định pháp luật. Mỗt số doanh nghiệp sử dụng các chính sách miễn giảm thuế hợp pháp để giảm gánh nặng tài chính.

Sự khác biệt giữa trốn thuế và tránh thuế
Dưới đây là các tiêu chí giúp phân biệt hai khái niệm này:
Tiêu chí | Trốn thuế | Tránh thuế |
Mục đích | Né tránh hoặc không nộp thuế theo quy định. | Hợp pháp giảm nghĩa vụ thuế phải nộp. |
Phương pháp | Sử dụng hành vi gian lận, vi phạm pháp luật thuế. | Áp dụng các quy định pháp luật một cách hợp lệ để tối ưu thuế. |
Hậu quả pháp lý | Bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt hành chính, truy thu thuế, cưỡng chế thi hành. | Không bị xử phạt do thực hiện đúng quy định pháp luật. |
Ví dụ minh họa:
- Trốn thuế: Công ty A kê khai không đầy đủ doanh thu, lập hóa đơn khống nhằm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.
- Tránh thuế: Công ty B đầu tư vào khu công nghệ cao và được hưởng ưu đãi thuế, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm đầu. Đây là biện pháp hợp pháp để giảm nghĩa vụ thuế.
Phân biệt trốn thuế và lách thuế giúp doanh nghiệp và cá nhân hiểu rõ giới hạn pháp lý. Việc nộp thuế đúng quy định đảm bảo nghĩa vụ tài chính, duy trì uy tín và tránh rủi ro pháp lý.
Các câu hỏi thường gặp về trốn thuế của doanh nghiệp
1. Ai chịu trách nhiệm khi công ty trốn thuế?
Trong trường hợp doanh nghiệp bị phát hiện trốn thuế, người đại diện theo pháp luật sẽ chịu trách nhiệm chính. Ngoài ra, các cá nhân có liên quan như kế toán trưởng, giám đốc tài chính hoặc nhân sự tham gia lập báo cáo thuế cũng có thể bị xử lý nếu có hành vi gian lận hoặc tiếp tay.
2. Những cách trốn thuế phổ biến của doanh nghiệp?
Một số hành vi gian lận thuế thường gặp bao gồm:
- Lập hóa đơn khống, hợp đồng giả nhằm che giấu doanh thu thực tế.
- Khai báo chi phí không hợp lệ để giảm lợi nhuận chịu thuế.
- Không ghi nhận đầy đủ doanh thu hoặc cố tình báo cáo sai số liệu trong sổ sách kế toán.

3. Ngoài phạt tiền và phạt tù, còn hình phạt nào khác cho hành vi trốn thuế?
Bên cạnh phạt tiền và phạt tù, doanh nghiệp hoặc cá nhân trốn thuế có thể bị áp dụng các biện pháp bổ sung như:
- Tịch thu tài sản để bù đắp số thuế thất thoát.
- Cấm đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo trong một khoảng thời gian nhất định.
- Đình chỉ hoặc cấm hoạt động kinh doanh.
- Cấm huy động vốn hoặc tham gia đấu thầu dự án công.
Các biện pháp này nhằm đảm bảo tính răn đe và ngăn chặn hành vi gian lận thuế trong tương lai.
>>> Xem thêm: Khu công nghiệp là gì? 4 khu công nghiệp nổi bật tại Việt Nam
Kết
Trốn thuế làm suy giảm nguồn thu ngân sách và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Việc tuân thủ quy định thuế không chỉ giúp tránh rủi ro pháp lý mà còn góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.
Theo dõi Sabay để cập nhật nhiều tin tức hữu ích khác bạn nhé!
SABAY – KHÔNG NGỪNG BAY XA
Hotline: 093 179 1122
Trụ sở: 99 Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình, TP. HCM