Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp được thành lập từ 3 thành viên trở lên, không hạn chế số lượng tối đa. Công ty cổ phần khác với các loại hình doanh nghiệp khác khi được phát hành cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng thông qua sàn giao dịch chứng khoán. Làm thế nào để thành lập công ty cổ phần? Cùng Sabay tìm hiểu chi tiết qua những chia sẻ dưới đây.
Mục lục bài viết
Khái niệm công ty cổ phần
Công ty có vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ của công ty.
Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác trừ trường hợp theo quy định của pháp luật.
Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa.
Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán ra công chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
>>> Xem thêm: Thủ tục thành lập công ty hợp danh
Hồ sơ thành lập công ty Cổ phần
Để thành lập công ty cổ phần, doanh nghiệp cần chuẩn bị những hồ sơ sau:
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần
2. Điều lệ công ty
3. Danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần
4. Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/Hộ chiếu của người đại diện pháp luật, cổ đông sáng lập công ty
5. Khi cổ đông là tổ chức, cần cung cấp thêm các giấy tờ sau:
- Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác;
- Văn bản cử người đại diện theo ủy quyền của tổ chức;
- Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức;
6. Nếu người nộp hồ sơ không phải người đại diện pháp luật, người đi nộp cần có giấy ủy quyền do người đại diện cấp phép
7. Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/Hộ chiếu của người được ủy quyền nộp hồ sơ.
Thủ tục thành lập công ty Cổ phần
Quy trình thành lập công ty cổ phần bao gồm các bước sau:
- Nộp hồ sơ
Khi đã chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, doanh nghiệp có thể nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – sở Kế hoạch & Đầu tư nơi tỉnh/ thành foanh ghiệp đặt trụ sở. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể nộp hồ sơ Online tại đường link https://dangkykinhdoanh.gov.vn/ thông qua tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc chữ ký số công cộng.
Một số tỉnh thành chỉ chấp nhận hồ sơ đăng ký online trên website. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ trước khi nộp hồ sơ.
- Thời hạn giải quyết
Sau khi nộp hồ sơ, trong vòng 5-7 ngày, phòng Đăng ký kin doanh sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Nếu hồ sơ không hợp lệ, phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo hướng dẫn doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung và nộp lại.
>>> Xem thêm: Thủ tục thành lập công ty TNHH MTV
Điều kiện thành lập công ty Cổ phần
Điều kiện về tên công ty
- Tên của công ty cổ phần phải đảm bảo 2 thành tố: Công ty cổ phần + tên riêng;
- Không được đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước đó trên phạm vi toàn quốc;
- Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;
- Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Điều kiện về địa chỉ trụ sở chính
Địa chỉ công ty là nơi giao dịch, liên lạc chính của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp khi đăng ký cần ghi đầy đủ các thông tin liên quan như số nhà, tên phố hoặc tên phường (xã), thị trấn, quận huyện, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh thành trực thuộc trung ương.
Khi đăng ký địa chỉ trụ sở công ty tại tòa nhà có chức năng văn phòng thì phải cung cấp giấy tờ chứng minh địa chỉ đó được phép làm văn phòng.
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định việc sử dụng căn hộ chung cư, nhà tập thể chỉ được dùng để ở.
Nhà tập thể và chung cư không được sử dụng vào mục đích kinh doanh dưới mọi hình thức, không phân biệt doanh nghiệp kinh doanh nhỏ hay vừa hay lớn.
Điều kiện về ngành nghề kinh doanh
Mọi doanh nghiệp đều có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Không những thế, số lượng ngành nghề đăng ký cũng không bị hạn chế.
Đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh khi đủ điều kiện quy định của pháp luật. Danh mục ngành nghề này được quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Luật Đầu tư.
Điều kiện về vốn điều lệ
Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp.
Ngoại trừ một số ngành nghề yêu cầu vốn pháp định, các ngành nghề khác không quy định mức vốn tối thiểu hay tối đa khi thành lập doanh nghiệp. Tùy vào nguồn lực và quy mô doanh nghiệp, doanh nghiệp nên đăng ký số vốn cho phù hợp.
Trong vòng 90 ngày được cấp phép đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần phải góp đủ số vốn điều lệ đã đăng ký.
Vốn điều lệ liên quyết định mức thuế môn bài doanh nghiệp phải đóng hằng năm. Đối với doanh nghiệp thành lập từ ngày 25/02/2020, được miễn lệ phí môn bài năm đầu thành lập, từ năm thứ 2 trở đi thì phải đóng theo mức như sau:
- Vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng, đóng 3.000.000 đồng/1 năm.
- Vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống, đóng 2.000.000 đồng/1 năm.
Điều kiện về người đại diện pháp luật
Các cá nhân, tổ chức đều có quyền thành lập công ty cổ phần khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Tổ chức có tư cách pháp nhân;
- Cá nhân từ đủ 18 tuổi; có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
- Không thuộc đối tượng bị cấm quản lý và thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020;
- Có tối thiểu 3 cổ đông góp vốn thành lập doanh nghiệp (cổ đông sáng lập), không giới hạn số lượng cổ đông tối đa.
Ưu nhược điểm khi thành lập công ty Cổ phần
Ưu điểm
- Khả năng huy động vốn công ty rất cao và linh hoạt;
- Không giới hạn số lượng cổ đông góp vốn vào doanh nghiệp;
- Được phát hành cổ phiếu ra công chúng thông qua sàn giao dịch chứng khoán;
- Thủ tục chuyển nhượng dễ dàng, thu hút được nhiều đối tượng góp vốn vào công ty;
- Cổ đông chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản trong phạm vi số vốn góp vào công ty;
Nhược điểm
- Việc quản lý và điều hành công ty cổ phần rất phức tạp do số lượng cổ đông rất lớn, nhiều cổ đông có thể không quen biết nhau và có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ đông trong công ty đối kháng nhau về lợi ích;
- Quá trình ra quyết định của người quản lý và điều hành công ty cổ phần thường mất nhiều thời gian do phải thông qua nhiều Hội Đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông…vì thế có thể sẽ bỏ lỡ những thời cơ kinh doanh.
>>> Xem thêm: 4 Cách tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp
Kết luận
Công ty cổ phần với khả năng phát hành trái phiếu, cổ phiếu, cổ phần là một trong những điểm khác biệt lớn để phân biệt với các loại hình doanh nghiệp khác. Hy vọng những chia sẻ trên của Sabay giúp bạn hiểu thêm thông tin khi đăng ký kinh doanh loại hình doanh nghiệp này.
——————————————————
Địa chỉ: SABAY BUILDING
Hotline: 0931791122